Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo ngành Kinh tế công nghiệp

I. Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp công nghiệp

1. Kiến thức:

- Kiến thức cơ bản trong lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học tự nhiên;

+ Có khả năng hiểu biết, vận dụng các quy luật cơ bản trong lĩnh vực xã hội, tự nhiên vào việc phân tích, tổng hợp và đề xuất các giải pháp kinh tế.

+ Kiến thức vững vàng về khoa học tự nhiên, toán ứng dụng, làm nền tảng kiến thức cho việc học tập nâng cao.

- Khối kiến thức cơ sở ngành sẽ cung cấp các công cụ cần thiết phục vụ cho hoạt động chuyên môn của người làm kế toán.

- Kiến thức chuyên sâu về kế toán, kiến thức về chế độ, chính sách kế toán, kiến thức tin học ứng dụng trong việc sử dụng các phần mềm kế toán, hỗ trợ kê khai thuế. Khối kiến thức này sẽ giúp sinh viên trong việc phân tích, tổng hợp, đánh giá và lập các báo cáo kế toán cần thiết.

2. Kỹ năng:

- Kỹ năng tự học, tự nghiên cứu.

Chủ động trong việc khai thác, tìm kiếm thông tin phục vụ cho quá trình học tập và nghiên cứu khoa học, qua đó rèn luyện cho sinh viên kỹ năng tự học tự nghiên để nâng cao trình độ và hoàn thiện bản thân.

- Kỹ năng mềm.

+ Kỹ năng làm việc theo nhóm: Rèn luyện cho sinh viên tinh thần đoàn kết, hợp tác trong học tập và trong các hoạt động, phương pháp làm việc ở những vai trò khác nhau trong một tập thể, phương pháp tổ chức, quản lý để đạt được hiệu quả từ nhóm sinh viên với những trình độ chuyên môn, hoàn cảnh, sở thích, môi trường làm việc khác nhau...

+ Kỹ năng giao tiếp: Rèn luyện cho sinh viên kỹ năng thuyết trình, trình bày, diễn giải vấn đề... thông qua các báo cáo, các hợp đồng kinh tế theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp.

+ Kỹ năng ngoại ngữ: Rèn luyện cho sinh viên kỹ năng sử dụng tiếng Anh trong công việc như giao tiếp, tham khảo tài liệu chuyên môn.

+ Kỹ năng sử dụng thông tin: Sinh viên có khả năng sử dụng các phần mềm kế toán thành thạo, qua đó rèn luyện kỹ năng khai thác, sử dụng máy tính nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu công việc.

+ Kỹ năng giải quyết vấn đề: Rèn luyện cho sinh viên kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh thông qua việc nhận diện vấn đề, phân tích và xây dựng phương án giải quyết phù hợp.

- Kỹ năng chuyên môn.

+ Rèn luyện cho sinh viên kỹ năng tổ chức công tác kế toán phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp, như: Tổ chức hệ thống chứng từ kế toán, hệ thống sổ kế toán, hệ thống báo cáo kế toán…

+ Rèn luyện cho sinh viên kỹ năng thu thập, phân tích, xử lý thông tin kinh tế tài chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, xây dựng hệ thống các chỉ tiêu phân tích qua đó đánh giá hoạt động của doanh nghiệp và đề ra phương hướng hoạt động sao cho có hiệu quả kinh tế cao nhất.

+ Rèn luyện cho sinh viên kỹ năng tổ chức thực hiện các phần hành kế toán cụ thể trong doanh nghiệp như: Kế toán tiền lương và các khoản trích theo lương; Kế toán tài sản cố định; Kế toán tập hợp chi phí và tính giá thành sản phẩm; Kế toán thanh toán... từ việc lập chứng từ, định khoản kế toán, mở sổ và phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh vào các sổ sách kế toán liên quan.

3. Thái độ:

- Có phẩm chất chính trị, có tư cách đạo đức, có trách nhiệm công dân và ý thức chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có đủ sức khỏe để làm việc, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Có lối sống lành mạnh, có ý thức tổ chức kỷ luật, tôn trọng nội quy của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế; Biết chủ động sắp xếp, bố trí công việc khoa học, sáng tạo, có lòng say mê khoa học, ý thức tự rèn luyện để nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn.

- Có thái độ, đạo đức nghề nghiệp đúng đắn (Thận trọng, nhất quán, trung thực, liêm khiết, cẩn thận...), có lòng yêu nghề. Nhạy bén, linh hoạt trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như trong xu thế toàn cầu hóa.

- Ý thức được sự cần thiết phải học tập thường xuyên và học tập suốt đời.

4. Vị trí và khả năng công tác sau khi tốt nghiệp:

Sau thời gian được đào tạo hệ đại học chính quy chuyên ngành Kế toán Doanh nghiệp Công nghiệp – Trường Đại học kỹ thuật công nghiệp, người học sẽ được cung cấp các kiến thức chuyên môn sâu, cũng như rèn luyện các kỹ năng cần thiết nhằm thực hiện các công việc như:

- Tổ chức công tác kế toán trong các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế... một cách chuyên nghiệp.

- Tổ chức vận hành các phần hành kế toán trong doanh nghiệp, cung cấp thông tin kế toán tài chính, thông tin kế toán quản trị phục vụ cho việc ra quyết định của nhà quản trị.

- Trực tiếp thực hiện và điều hành các hoạt động kế toán trong các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng.

- Nâng cao khả năng phân tích và tư vấn kế toán cho các đối tượng có nhu cầu.

- Trực tiếp giảng dạy chuyên môn, nghiên cứu trong các trường đại học, cao đẳng thuộc khối kinh tế.

5. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp:

Cử nhân kế toán doanh nghiệp công nghiệp sau khi tốt nghiệp ra trường có thể tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn học tham gia học các khóa đào tạo thạc sĩ các chuyên ngành thuộc ngành kinh tế.

 

II. Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo chuyên ngành Quản trị nghiệp công nghiệp

1. Kiến thức:

 a. Kiến thức đại cương

- Trình độ lý luận Chính trị Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh theo chuẩn chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Kiến thức cơ bản trong lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học tự nhiên: Biết, hiểu, vận dụng các quy luật cơ bản trong lĩnh vực xã hội, tự nhiên vào việc phân tích và đề xuất các chính sách kinh tế (Toán, xã hội học, luật kinh tế).

b. Khối kiến thức cơ sở ngành và cơ sở chuyên ngành

Khối kiến thức cơ sở ngành cung cấp các công cụ để xác lập căn cứ khoa học cho việc hoạch định chiến lược chung và ra quyết định quản trị tác nghiệp của doanh nghiệp: Toán kinh tế, quản trị học, kinh tế học, thống kê doanh nghiệp, phân tích hoạt động kinh doanh, kế toán quản trị…

c. Khối kiến thức chuyên ngành

Khối kiến thức chuyên ngành cung cấp các kiến thức giúp Cử nhân Quản trị doanh nghiệp công nghiệp có khả năng giải quyết các vấn đề cụ thể trong phạm vi nghề nghiệp:

+            Quản trị chiến lược chung của doanh nghiệp.

+            Quản trị tác nghiệp các hoạt động chức năng trong doanh nghiệp.

2. Kỹ năng

a. Kỹ năng tự học, tự nghiên cứu

Cử nhân Quản trị doanh nghiệp công nghiệp có kỹ năng tự học, tự nghiên cứu qua việc nâng cao tính chủ động trong khai thác thông tin mới và nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao trình độ và tự hoàn thiện bản thân.

b. Kỹ năng mềm

- Kỹ năng làm việc theo nhóm

Cử nhân Quản trị doanh nghiệp công nghiệp có khả năng tổ chức nhóm, làm việc hiệu quả ở mọi vai trò của nhóm; có tinh thần phối hợp làm việc với các thành viên trong nhóm.

- Kỹ năng giao tiếp

Cử nhân Quản trị doanh nghiệp công nghiệp có kỹ năng giao tiếp kinh doanh tốt để phục vụ cho công việc chuyên môn: thuyết trình và báo cáo miệng; soạn thảo các văn bản phổ biến trong kinh doanh (đề xuất kinh doanh, hợp đồng, báo cáo…).

- Kỹ năng ngoại ngữ

Cử nhân Quản trị doanh nghiệp công nghiệp có thể sử dụng ngôn ngữ nước ngoài (tiếng Anh) để tham khảo tài liệu chuyên môn và giao tiếp.

- Kỹ sử dụng công nghệ thông tin

Cử nhân Quản trị doanh nghiệp công nghiệp có thể sử dụng máy tính hiệu quả với các công cụ Microsoft Office, Web, các phần mềm CRM,...

d. Kỹ năng chuyên môn

- Kỹ năng thu thập, phân tích và xử lý thông tin

Cử nhân Quản trị doanh nghiệp công nghiệp có khả năng thu thâp các thông tin đa chiều từ các nguồn; tổng hợp, phân loại, phân tích và xử lý thông tin thành các nội dung cần thiết phục vụ cho học tập, nghiên cứu.

- Kỹ năng lập kế hoạch, xây dựng dự án

Cử nhân Quản trị doanh nghiệp công nghiệp có khả năng lập các kế hoạch về nhân sự, tài chính, marketing, logistic, tác nghiệp,…và xây dựng các dự án để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, công việc khác nhau của doanh nghiệp.

3. Thái độ:

a. Thái độ cá nhân

- Chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và sức khoẻ tốt.

- Có tinh thần trách nhiệm, ý thức cộng đồng và tác phong chuyên nghiệp.

- Trung thực, cởi mở, thân tình, tôn trọng nhân cách đồng nghiệp, khách hàng

- Có tinh thần học hỏi, có ý chí không ngừng nâng cao kiến thức và rèn luyện bản thân.

b. Thái độ nghề nghiệp         

- Có phương pháp làm việc và tư duy khoa học, biết cách giải quyết hiệu quả các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn nghề nghiệp.

- Có thái độ, cư xử chuyên nghiệp, có tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và cộng đồng xã hội.

- Có trách nhiệm cao trong công việc, có đạo đức trong kinh doanh và các hoạt động kinh tế trong xã hội hiện đại.

- Có ý chí cầu tiến, chủ động lập kế hoạch cho phát triển nghề nghiệp, vươn lên trong công việc và hoàn thiện bản thân để trở thành chủ doanh nghiệp trong tương lai.

4. Vị trí và khả năng công tác sau khi tốt nghiệp

Sau khi tốt nghiệp các cử nhân của ngành có thể:

- Làm việc ở vị trí một cán bộ kinh doanh hoặc quản trị kinh doanh trong các loại hình doanh nghiệp của nền kinh tế, đặc biệt có lợi thế trong các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp.

- Làm việc trong các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ.

- Tự tạo lập doanh nghiệp hoặc tự tìm kiếm cơ hội kinh doanh cho bản thân.

- Làm việc trong các sở, ban, ngành thuộc các cơ quan chính quyền.

- Làm cán bộ nghiên cứu, giảng viên giảng dạy về quản trị kinh doanh tại các Viện, Trung tâm nghiên cứu, các cơ sở đào tạo hoặc cơ quan hoạch định chính sách kinh doanh.

5. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp:

- Có khả năng tự học tập, nghiên cứu khoa học theo đúng chuyên ngành đào tạo.

- Nâng cao trình độ sau đại học (bậc thạc sỹ và tiến sỹ) các chuyên ngành kinh tế và quản trị kinh doanh tại các cơ sở đào tạo trong nước và ngoài nước.

 

Tin mới hơn

Tin cũ hơn